Đẳng cấp nghệ thuật sắt thép của tháp Eiffel
Không đếm xuể số bài báo ca ngợi tháp Eiffel, cũng không ít lời phê phán khối sắt đen nằm giữa kinh đô hoa lệ Paris, Pháp. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để quyết tâm một lần “trèo” lên Eiffel.
Không đếm xuể số bài báo ca ngợi tháp Eiffel, cũng không ít lời phê phán khối sắt đen nằm giữa kinh đô hoa lệ Paris, Pháp. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để quyết tâm một lần “trèo” lên Eiffel.
Cảnh tượng “khó chịu” nhất khi chúng tôi ở mùa thu Paris chính là lúc phải xếp hàng chờ mua vé tham quan nơi chân tháp Eiffel (công viên Champ de Mars bên bờ sông Seine). Dĩ nhiên, xếp hàng là chuyện bình thường không có gì phải bàn cãi.
Nhưng giữa lúc rồng rắn chờ đợi trong một tối gió lạnh, bằng khoảng cách nửa tiếng đồng hồ tính đến quầy bán vé, không có gì “hành hạ” nhau hơn khi bạn phải chứng kiến khắp nơi, trên dưới, phải trái, đâu đâu cũng có cảnh người ta ôm và… hôn nhau, kiểu hôn không chỉ “truyền hình” mà còn cả “truyền thanh” nữa!
Cũng may là nhờ có luyện thở nên rốt cuộc tôi cũng giữ được “sự bằng an trong tâm hồn”, để dành thời gian và tâm sức cho cái tháp đen bằng sắt đã trở thành biểu tượng của Paris và của cả nước Pháp, đến mức đã có nhiều những Eiffel thu nhỏ tại Las Vegas (Mỹ), Hàng Châu, Thâm Quyến (Trung Quốc)…
Giá vé tham quan tháp Eiffel có hai loại: loại 14 euro để lên đến tầng bốn và loại 8,5 euro chỉ đến được tầng ba. Ở đây người ta gọi tầng mặt đất là tầng một, gồm chân tháp và móng. Tầng hai cao 57,63m. Tầng ba cao 115,73m. Tầng bốn cao 276,13m. Toàn là những con số nhuốm màu… “phong thủy”.
Duyên Trường Vốn có tên là “Tháp 300m” đúng theo thiết kế ban đầu, nhưng nhờ cột ăngten trên đỉnh, nó “dài” thêm, đến 325m, cao nhất thế giới lúc bấy giờ, và giữ kỷ lục suốt 40 năm, đủ tạo ra một cơn sốt chạy đua xây dựng những tháp truyền hình và những tòa nhà chọc trời trên khắp thế giới…
Tầng một có một số cửa hàng bán đủ mọi thứ. Tầng hai có một nhà hàng mang tên Altitude 95, nhắc nhớ độ cao nơi đây là 95m so với mặt nước biển. Nhà hàng ở tầng ba mang tên nhà văn viễn tưởng nổi tiếng Jules Verne.
Nhà hàng “trên mây” này được trang trí có thể gọi là theo phong cách “Bao Công”: khăn xám, đĩa đen, cốc đen, bông hồng cũng đen. Tầng bốn có một phòng tượng sáp tái hiện cảnh Gustave Eiffel đón tiếp Thomas Edison vào ngày 10-9-1889. Có sách cho biết đường đi bộ lên đỉnh tháp gồm 1.710 bậc thang nhưng không rõ bây giờ người ta có cho đi bộ không và đi bộ có phải trả tiền không. Còn trước mắt chúng tôi, du khách đang xếp hàng mua vé để lên tháp bằng thang máy. Qua phòng kiểm soát an ninh từng người một y hệt lên máy bay, một thang máy rất to có thể chứa cả bảy tám chục người đưa chúng tôi lên cao theo chiều nghiêng của cạnh tháp.
Cái giá 8,5 euro hóa ra lại là nơi lý tưởng nhất để nhìn ngắm Paris. Thông tin này khiến quyết định mua vé của chúng tôi không còn lý do “tiền tệ” nữa, mà trở thành một sự lựa chọn chính đáng, có ý nghĩa “trí tuệ”!
Với một “thổ địa” bên cạnh, độ cao này đủ để tầm mắt chúng ta có thể khám phá diện mạo muôn mặt của thành phố mang hình trái tim này: Paris của nhà thờ, Paris của vua chúa, Paris của nghệ sĩ, Paris thượng lưu, Paris kinh doanh, Paris thủ công, Paris ăn chơi…
Thật ngoạn mục khi “quét” Paris từ tháp Eiffel về đêm, theo chiều kim đồng hồ, trong gió thu và trăng lạnh, khi ánh sáng rực lên từ dòng sông và những cây cầu, từ các quảng trường khổng lồ đến những đại lộ thênh thang, từ nhà thờ, cung điện, lâu đài đến những cửa hàng nhấp nháy bên những dòng xe không ngừng chảy…
Ánh sáng đẹp bừng lên từ một không gian đẹp với tiết tấu như thơ, có gần có xa, có rộng có hẹp, có cao có thấp, cùng đôi bờ sông Seine, theo dòng lịch sử 2.000 năm.
Ngôi tháp này đã trở thành mục tiêu chinh phục của những người yêu thể thao, thích mạo hiểm: đu dây, nhảy dù, leo cầu thang, đi cà kheo, đi xe đạp, bay khinh khí cầu, leo tay không như người nhện… Người ta đã hát, đã vẽ, đã viết văn làm thơ, đã chụp ảnh dựng phim, đã truyền hình không biết bao nhiêu mà kể về tháp Eiffel, với tháp Eiffel.
Trong đó có cả một cuốn sách và một bộ phim ghi lại câu chuyện có thật khi tay lừa đảo Victor Lustig đã “bán” tháp Eiffel làm phế liệu như thế nào. Thực tế những năm gần đây, tháp Eiffel đứng sau nhà thờ Đức Bà Paris về lượng khách đến thăm, nhưng lại dẫn đầu số tiền thu được từ túi du khách.
Vậy mà trước đó, Gustave Eiffel và công trình một đời của ông đã từng bị phê phán, bị nguyền rủa, bị khinh miệt là “vô dụng và quái dị”, là “sự nhục nhã của Paris”, là “vết đen trên bầu trời Paris”… 300 nhà văn, họa sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc gia và “những người yêu Paris” đã phản đối và chính thức đòi chấm dứt công trình vì “Tên tuổi của Pháp, lịch sử và nghệ thuật của đất nước này đang bị đe dọa”…
Hôm ấy, chúng tôi ngắm nhìn bức tượng chân dung của Eiffel dưới chân tháp, trong ánh sáng của ngàn ngọn đèn trên cao, từ tội đồ ông đã trở thành công thần. Bỗng nhiên chợt nghĩ đến lối tư duy “công tắc” bật – mở, trắng – đen, có – không, được – mất của nhân loại. Nhà trường bốn bể đã “dày công” dạy dỗ chúng ta lối suy nghĩ kèm theo đó là cách xử sự theo kiểu “một đáp án”, “một nghiệm số”: chỉ có hoặc đúng hoặc sai!
Nhưng trường đời hình như lại cho ta cơ hội nhận diện với một cảnh giới khác, có thứ vừa đúng lại vừa sai, có mặt này đúng, nhưng mặt tiếp tục của nó lại là sai, có cái hôm qua sai, hôm nay lại là đúng, thậm chí trong cái đúng cũng có cái sai, trong cái sai cũng có đôi chỗ đúng…
Tục ngữ Pháp có câu: Ngay cả bụi cây nhỏ nhất cũng có cái bóng của nó! Cho nên chớ thấy sáng mà ngỡ là vàng, chớ thấy đen đã vội chê bẩn!
“Tính đến năm 1989, sau 100 năm ra đời, tháp Eiffel có đến 120 triệu người tham quan. Với số người xem hiện nay mỗi năm gần 5 triệu người, mỗi ngày trên một vạn người (trong đó 5% là người Paris), tháp Eiffel là thắng cảnh được tham quan nhiều nhất trên thế giới”.
(Nguồn: nhà nghiên cứu Hữu Ngọc, Phác thảo chân dung văn hóa Pháp – NXB Văn Nghệ, tái bản 2006)